Với mục tiêu nâng cao hoạt động hỗ trợ người dân, đối tượng, doanh nghiệp và tổ chức trong tiếp cận thủ tục hành chính; đẩy mạnh cải cách hành chính, hiện đại hóa hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin, chiều ngày 23/11/2017, tại Hà Nội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TBXH) tổ chức Lễ khai trương Cổng dịch vụ công trực tuyến tại địa chỉ: http://dvc.molisa.gov.vn. Tới dự buổi lễ có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Đào Ngọc Dung; các Thứ trưởng: Đào Hồng Lan, Lê Quân; Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng; đại diện lãnh đạo một số Vụ thuộc Văn phòng Chính phủ, Bộ Nội Vụ, Bộ Thông tin và Truyền thông; Hội tin học Việt Nam; lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ; lãnh đạo một số doanh nghiệp có hoạt động liên quan đến lĩnh vực xuất khẩu lao động cùng đại diện một số Tập đoàn, Công ty liên quan đến Công nghệ thông tin. Tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các dịch vụ công trực tuyến
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, hiện tại, ngành lao động, thương binh và xã hội đang cung cấp hơn 240 thủ tục hành chính. Với Cổng dịch vụ công trực tuyến, người dân, doanh nghiệp chỉ cần truy cập 1 địa chỉ, sử dụng 1 tài khoản duy nhất khi làm thủ tục hành chính, giảm số lượng chứng từ, tiết kiệm nhiều thời gian, công sức. Bộ đang không ngừng cải cách hành chính, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực lao động, người có công và xã hội liên quan đến hàng triệu đối tượng, nhất là người dân, doanh nghiệp xuất khẩu lao động, các hoạt động an sinh, an toàn lao động và người nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, việc vận hành Cổng Dịch vụ công trực tuyến sẽ giúp cho lãnh đạo Bộ trong quản lý, điều hành, tập trung giải quyết những thủ tục hành chính, công khai, minh bạch thông tin, kết quả và đảm bảo sự kết nối đến Cổng dịch vụ công Quốc gia theo sự chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, quá trình triển khai vừa qua cho thấy việc xử lý hồ sơ trực tuyến đạt được kết quả khá tốt. Nổi bật là lĩnh vực quản lý lao động ngoài nước. Năm 2017 đã xử lý trực tuyến trên 3.000 hồ sơ, đạt trên 90% tổng hồ sơ tiếp nhận. Hoặc với dịch vụ công trực tuyến cấp phép cho lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, đến nay đã tiếp nhận, xử lý hơn 5.000 hồ sơ điện tử và được triển khai đến 40 Sở LĐ-TBXH.
Hiện nay Bộ đang phối hợp với Tập đoàn Viettel xây dựng khung Chính phủ điện tử theo Nghị quyết 36a của Chính phủ và toàn bộ đường truyền, đồng thời sẽ phối hợp với Tập đoàn Bưu chính viễn thông thực hiện thuê dịch vụ thông qua Bưu điện trong việc chi trả trợ cấp cho hệ thống Bảo trợ xã hội cũng như đang thí điểm cho việc chi trả chính sách người có công ở 5 địa bàn trọng tâm của 5 vùng khác nhau, trên cơ sở đó rút kinh nghiệm và triển khai đại trà trên cả nước.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, năm 2018, Bộ LĐ-TBXH xác định cải cách hành chính và ứng dụng CNTT là khâu đột phá, trong đó, cung cấp dịch vụ công trực tuyến là một nội dung quan trọng. Do đó, Bộ sẽ tập trung triển khai một số nội dung như: Vận hành tốt Cổng dịch vụ công trực tuyến; Đa dạng hóa hình thức triển khai dịch vụ công trực tuyến, tăng cường thêm các tiện ích để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; Hợp tác với các tập đoàn CNTT lớn, áp dụng hình thức thuê dịch vụ để đẩy nhanh việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân nhanh nhất, tốt nhất.
Sẵn sàng liên thông với Cổng dịch vụ công quốc gia
Giới thiệu về Cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ LĐ-TBXH, ông Đỗ Chí Dũng – Giám đốc Trung tâm Thông tin cho biết, Cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ có một số tính năng cơ bản, bao gồm: (1) Là địa chỉ duy nhất đối với toàn bộ các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 tại Bộ LĐ-TBXH; (2) Người dân, doanh nghiệp có thể tiếp cận toàn bộ các dịch vụ công trực tuyến của Bộ trên Cổng; (3) Doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và đối tượng có thể đánh giá, phản ánh tới từng dịch vụ công trực tuyến của Bộ; (4) Công khai, minh bạch, liên thông, đồng bộ kết quả xử lý hồ sơ thủ tục hành chính tại Bộ LĐ-TBXH; (5) Hỗ trợ đăng nhập 1 lần (SSO - Single Sign On) đối với toàn bộ các dịch vụ công trực tuyến trên Cổng.
Cho đến nay, Cổng đã kết nối với 5 dịch vụ công trực tuyến triển khai trong năm 2016 thuộc 3 lĩnh vực: Quản lý lao động ngoài nước, An toàn lao động, Việc làm. Năm 2017, thực hiện Quyết định 846/QĐ-TTg ngày 09/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ LĐ-TBXH đang triển khai xây dựng 9 dịch vụ công trực tuyến và Cổng dịch vụ công trực tuyến hiện đã sẵn sàng kết nối với các dịch vụ công trực tuyến nên trên.
Theo ông Đỗ Chí Dũng, qua quá trình triển khai cho thấy, việc xử lý hồ sơ trực tuyến đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ, trong đó riêng đối với lĩnh vực quản lý lao động ngoài nước, năm 2017, số lượng hồ sơ được xử lý trực tuyến là trên 30.000, đạt trên 90% tổng số hồ sơ tiếp nhận. Đối với Dịch vụ công trực tuyến Cấp phép cho lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 36a/NQ-CP, đến nay đã tiếp nhận, xử lý hơn 5.000 hồ sơ điện tử và được triển khai đến 40 Sở LĐ-TBXH các tỉnh, thành phố.
“Cổng dịch vụ công trực tuyến của Bô LĐ-TBXH sẽ triển khai việc chia sẻ dữ liệu liên thông với các Bộ, ngành và sẵn sàng liên thông với Cổng dịch vụ công quốc gia theo chỉ đạo của Chính phủ”- ông Đỗ Chí chia sẻ.
Hãy bắt đầu từ những dịch vụ nhiều người dân quan tâm nhất
Bắt đầu bài phát biểu của mình, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, Liên hợp quốc đánh giá về Chính phủ điện tử các nước dựa vào hạ tầng, nhân lực và dịch vụ công trực tuyến. Trong dịch vụ công trực tuyến, Liên hợp quốc đánh 6 lĩnh vực liên quan nhiều nhất đến người dân là giáo dục, y tế, tài chính, môi trường, tài nguyên, lao động và phúc lợi xã hội. Nếu Bộ LĐ-TBXH làm tốt trong hai lĩnh vực lao động và phúc lợi xã hội sẽ là đi đúng xu thế.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao nỗ lực của Bộ LĐ-TBXH trong việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp
Đánh giá cao nỗ lực, quyết tâm và tầm nhìn xa nhưng lại có những việc làm hết sức cụ thể của Bộ LĐ-TBXH, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng: “Đây là một ví dụ rất tốt cho các Bộ, ngành. Hãy bắt đầu từ những thứ chi tiết nhưng không vụn vặt, rút kinh nghiệm rồi thì phải triển khai nhanh. Điều này không ảnh hưởng gì tới chủ trương Chính phủ chỉ đạo là có một cổng dịch vụ công trực tuyến chung của cả nước, bởi vì cổng chung ấy chỉ là nơi kết nối vào để theo dõi, còn việc cung cấp dịch vụ công thì Bộ phải làm ở cấp Bộ, địa phương phải làm ở cấp địa phương”.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Bộ LĐ-TBXH hướng dẫn để các cấp tỉnh, huyện, xã làm các dịch vụ ở cấp dưới, kết nối vào Cổng của Bộ và từ đấy kết nối vào Cổng của Chính phủ. Cũng theo tinh thần của Bộ trưởng, cần chỉ đạo thuê dịch vụ, làm nền tảng để các doanh nghiệp cùng kết hợp để làm. Hãy bắt đầu từ những dịch vụ nhiều người dân quan tâm nhất và những dịch vụ có liên quan đến thanh toán.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng đề nghị các Bộ, ngành nên quan tâm để trong thời gian ngắn đồng loạt cùng làm. Với sự quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông, hướng dẫn kiến trúc, tiêu chuẩn kết nối, tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan, các Bộ, ngành cùng làm đồng khởi để kết nối với nhau và tới đây mở ra cổng dịch vụ công trực tuyến của cả nước, thành địa chỉ để mọi người vào đấy có thể dùng được dịch vụ công dù ở cấp nào, ngành nào.